9 ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC TỔ THẦN Y HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

Thứ bảy - 08/04/2017 05:45 1.374 0
Rằm tháng giêng là ngày giỗ của Đức Tổ Thần Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – tìm hiểu và học tập Y đức của thầy!
9 ĐIỀU RĂN CỦA ĐỨC TỔ THẦN Y HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC

Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác ông còn có tên gọi khác là Lê Hữu Huân, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1720 ở thôn Văn xá làng Liêu xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên cuộc đời ông phần lớn gắn với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hã Tĩnh. Ông qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bàu Thượng nay là xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh, hưởng thọ 71 tuổi. Mộ của ông nay còn nằm ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Gia đình ông vốn là một danh gia vọng tộc, nổi tiếng khoa bảng. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động vì nạn tranh giành quyền lực dưới thời vua Lê - chúa Trịnh. Ông thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ trong cảnh loạn lạc, đói rét, bệnh tật. Năm 1746, ông về quê ở Hương Sơn nuôi mẹ và học nghề thuốc. Ông đã đóng góp cho nền y học Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông đã để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắc lọc tinh hoa của y học cô truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng Kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị về văn học, lịch sử, triết học.

Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác
Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác

Trong suốt cuộc đời làm nghề thầy thuốc của mình, ông đã để lại 9 điều răn dạy cho học trò cũng như tâm niệm cho bản thân như sau:

  1. Phải nghiên cứu, hiểu lý luận một cách thấu đáo cho nhập vào tâm để khi ứng dụng mới tránh được sai lầm.
  2. Phải căn cứ vào bệnh nhẹ hay nặng mà thăm khám trước hay sau, chớ phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn.
  3. Khám bệnh cho phụ nữ phải đứng đắn, luôn luôn có người nhà bên cạnh.
  4. Luôn luôn quan tâm đến người bệnh, không để thú vui riêng làm chểnh mảng việc chăm sóc.
  5. Gặp bệnh nặng phải nói rõ cho người nhà biết và cứu chữa hết sức mình đừng để có sự oán trách.
  6. Chữa bệnh phải dùng thuốc tốt, có chất lượng và luôn luôn có sẵn.
  7. Khiêm tốn, hòa nhã với đồng nghiệp, kính người hơn tuổi, trọng người tài giỏi, nhường người kiêu ngạo, dìu dắt người kém.
  8. Hết sức chăm sóc người nghèo, mẹ hóa con côi, con thảo vợ hiền, có thể chu cấp thuốc men và cả lương thực nếu có điều kiện, không chỉ lo cho người giàu sang.
  9. Chớ mưu cầu quà cáp, đạo làm thuốc là phải bảo vệ sinh mạng con người, lấy cứu sống mạng người làm nhiệm vụ, chớ nên cầu lợi kể công. 

Chín điều răn dạy ấy tính đến nay đã hơn 200 năm, nếu đem áp dụng cho thời đại chúng ta đang ở trong ngành y tế hiện nay thì vẫn như mới học tập và đang thực hiện. Cuộc đời của Hải Thương Lãn Ông - Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng "ngọn cờ đỏ thắm" trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo.

Nhân ngày giỗ Thầy, chúng con xin kính dâng lên Thầy nén tâm hương với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc!

Tác giả bài viết: Thành Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Bệnh Viện Đa Khoa Hạ Long?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,643
  • Tháng hiện tại43,587
  • Tổng lượt truy cập898,880
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây